A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHÀM THỂ TẠNG

CHÀM THỂ TẠNG

I. ĐỊNH NGHĨA :

       Chàm là một hiện tượng viêm bì – thượng bì. Nguyên  nhân phức tạp, thường phát sinh do một quá trình phản ứng của da trên một cơ địa đặc biệt dễ phản ứng với dị ứng nguyên ở trong hay ngoài cơ thể.

       Biểu hiện trên lâm sàng bằng những mảng hồng ban với mụn nước rất ngứa hay tái đi tái lại

II. LÂM SÀNG:

        1. Giai đoạn hồng ban: có 2 triệu chứng

              - Ngứa: có trước khi nổi hồng ban,triệu chứng này thường có và chủ yếu

              - Hồng ban: không tẩm nhuận, hơi phù nề có tính viêm.Trên hồng ban rải rác những hạt nhỏ li ti mà mắt thường không trông thấy. Sờ tay vào thấy nhám. Các hạt nhỏ này trở thành mụn nước ở giai đoạn sau.

       2. Giai đoạn mụn nước:  Trên hồng ban vài giờ hay vài ngày sau xuất hiện những mụn nước nông, có nước trong, mụn nước có thể hợp lại thành bóng nước

       3. Giai đoạn rịn nước và đóng mài:

              Mụn nước có thể khô(tự thẩm thấu),tróc vẩy,nhưng thường thì vỡ tự nhiên hay do gãi làm rỉ nước không ngừng từ nhửng lỗ nhỏ li ti gọi là giếng chàm.

             Dịch chất khô lại thành mài vàng, hay nâu đen hình tròn,nhỏ bằng đầu kim gút,gọi là vết tích của mụn nước

       4. Giai đoạn thượng bì láng nhẵn:

              Thượng bì tái tạo mỏng,láng nhẵn như võ hành,giai đoạn này ít có và nếu có thì thoáng qua.

        5. Giai đoạn tróc vẩy:

              Thựợng bì tái tạo nứt ra và tróc vẩy vụn như cám hay từng mảng. Sau vài tuần sự tróc vẩy chấm dứt.Đối với chàm mới bị, da có thể trở lại bình thường.

        6. Giai đoạn dày da:

              Trường hợp chàm tiến triển lâu,da sẽ dày kèm ngứa dai dẳng, càng gãi da càng dày và xám lại tạo thành những ô vuông. Đó là chàm dạng lichen hóa hay chàm dạng hằn cổ trâu.

               Đó là tất cả các giai đoạn của bệnh chàm. Có khi bệnh không biểu hiện bằng tất cả các giai đoạn đó hoặc một trong các giai đoạn có thể không có.

           Vị trí của bệnh chàm:

                Bất cứ nơi nào trên cơ thể đều có thể bị,thường là : da đầu,mặt,bàn tay,bàn chân,bìu ,âm hộ.Chàm thể tạng thường ở các nếp gấp:cổ ,nách,nếp dưới vú,nếp khuỷu,nếp nhượng chân,nếp cổ chân và mặt duỗi của chi. Niêm mạc không bao giờ bị chàm nhưng vùng bán niêm mạc như môi,qui đầu có thể bị

III. CẬN LÂM SÀNG:

       Vì không có một xét nghiệm cận lâm sàng nào đặc trưng cho việc chẩn đoán chàm thể tạng nên việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng

 

IV. CHẨN ĐOÁN:

1. Chẩn đoán xác định

a. Chàm sữa:

-Xảy ra ở trẻ 03 – 06 tháng tuổi, khỏe mạnh.

-Vị trí: ở mặt, hai má, đối xứng, có thể lan ra da đầu, thân mình, tứ chi nhưng chừa các lỗ thiên nhiên (mắt, mũi, miệng).

-Khởi đầu là hồng ban, sau đó có mụn nước rịn nước đóng mài và tróc vẩy. Dễ bị chốc hoá.

-Bệnh thường biến mất trước năm 04 tuổi. Nếu tới 04 tuổi mà bệnh chưa hết, bệnh có thể tiến triển thành chàm thể tạng ở người lớn.

b. Chàm thể tạng ở người lớn:

-70 % trường hợp là do tiến triển tiếp tục của chàm sữa.

-Sang thương đa dạng: hồng ban, mụn nước, vẩy mài, vết cào xước, mảng Lichen hoá.

-Sang thương đối xứng, chủ yếu ở nếp hay mặt duỗi của chi.

-Bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Ngứa nhiều, bệnh nhân gãi làm móng tay bóng láng. Thường kèm da vẫy cá ở hai cẳng chân (10% bệnh nhân) dày sừng nang lông và 1% biến chứng thành đỏ da toàn thân.

2. Chẩn đoán phân biệt:

a. Tổ đĩa:

Mụn nước sâu ở lòng bàn tay , lòng bàn chân,mặt bên các ngón,không bao giờ vượt quá cổ tay,không có hồng ban trừ khi bị bội nhiễm.

b. Herpes:

Có cảm giác nóng rát,hồng ban mụn nước mọc thành chùm(2-20 mụn),đường kính từ 1-2 mm. Nước trở nên đục,dập ra,đóng mài,khi lành không để sẹo.

V. ĐIỀU TRỊ

            Trước một trẻ bị chàm sữa:

-Không cho nhập viện vì môi trường bệnh viện có thể làm cho trẻ bị nhiễm trùng thêm.

-Không nên chủng ngừa, nhất là đậu mùa vì có thể đưa đến bệnh mụn mủ dạng thuỷ đậu.

-Không nên điều trị bằng các thuốc mạnh như Corticoide, kháng sinh liều cao.

1.Điều trị tại chỗ: Tránh gãi, chà xát. Dùng thuốc tuỳ giai đoạn bệnh.

1.1.Cấp: Dung dịch thuốc tím 1/10000 tắm, đắp, ngâm. Thoa dung dịch màu như Milian. Eosin 2 % để giảm viêm.

1.2.Bán cấp: Thoa.

-Dầu kẽm : Tác dụng dịu da, giảm viêm.

1.3.Mãn: Pomade Salicylee 5 – 10 % tác dụng tiêu sừng.

2.Điều trị toàn thân:

-Chú ý yếu tố bội nhiễm, nhất là trong giai đoạn cấp, để dùng kháng sinh thích hợp. Thường dùng Macrolide như Erythromycine 2g/ngày cho người lớn, 0,03 – 0,05g/kg/ngày cho trẻ em. Kháng Histamin :clopheniramin 4mg ½ viên x3 lần cho trẻ em, 1 viên x 3 lần / ngày cho người lớn

-Thay đổi khí hậu đôi khi có kết quả tốt.

-Kiêng ăn một số thức ăn như sữa bò, trứng… giúp ích trong điều trị chàm sữa.

-Trong thời gian bị chàm cấp không được chích các Protein lạ vào cơ thể bệnh nhân.

-Corticoide toàn thân chỉ được dùng bởi một số tác giả và dùng ngắn ngày trong những trường hợp nặng, lan tràn và không đáp ứng với các điều trị khác

VI. PHÒNG BỆNH:

Phòng bệnh cấp 0: là biện pháp nhằm loại trừ yếu tố nguy cơ hoặc không cho yếu tố nguy cơ xuất hiện, bao gồm các biện pháp tổ chức xã hội. Như tổ chức khám và phát hiện bệnh, phát hiện nguyên nhân bệnh để ngăn chặn sự xuất hiện của bệnh. Giải quyết vấn đề môi trường, như các bệnh nghề nghiệp, chất xúc tác liên quan đến cơ địa của những người có cơ địa dị ứng.

 Phòng bệnh cấp 1: là áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho người khỏe khỏi mắc bệnh, phòng bệnh tích cực cho bệnh nhân khi chưa bị bệnh: phải có một cơ thể khỏe mạnh, dinh dưỡng tốt, kiêng những thức ăn đồ dùng kích thích: rượu chè, cà phê, thuốc lá, thức ăn sống. Không tiếp xúc với những chất dể gây dị ứng.

 Phòng bệnh cấp 2: Tăng cường phát hiện bệnh và giải quyết sớm các bệnh tật, điều trị bệnh đúng và có hiệu quả, hạn chế chuyển sang thể nặng, tàn phế. Thăm khám hỏi kỹ về tiền sử bệnh để tìm nguyên nhân, điều trị nguyên nhân là vấn đề lý tưởng của bệnh chàm, chẩn đoán đúng cũng là một phương pháp điều trị tích cực và điều trị đúng theo từng giai đoạn của bệnh. Tránh dùng các loại thuốc nặng, trước khi điều trị cần thăm dò phản ứng da của bệnh nhân. Giải thích cho bệnh nhân hiểu và hướng dẫn bệnh nhân phối hợp với thầy thuốc, phòng bệnh tích cực ngay cả khi đang điều trị, điều trị tốt cũng là một biện pháp phòng bệnh, giải thích cho bệnh nhân chế độ nghỉ ngơi ăn uống, những điều cần tránh khi đang bị bệnh và ngay cả khi lành bệnh.

 Phòng bệnh cấp 3: Là việc áp dụng các biện pháp làm giảm và hạn chế tàn phế và phục hồi chức năng


Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết